"Rối loạn thiếu chú ý hiếu động thái quá" (ADHD) là một rối loạn tâm lý hành vi thường gặp ở trẻ em. Theo thống kê cứ 100 trẻ thì có từ 3 đến 5 trẻ mắc rối loạn này với một số triệu chứng bắt đầu trước tuổi lên 7.
Trẻ có xu hướng hiếu động quá mức dưới dạng đứng ngồi không yên, không có khả năng tập trung, thường xuyên giận dữ, bốc đồng, ăn nói bộp chộp theo kiểu "chưa hỏi đã nói, chưa gọi đã thưa"... Các hành vi này tác động đến mối quan hệ của trẻ với gia đình và mọi người xung quanh, ảnh hưởng đến khả năng học tập và hoạt động bình thường của trẻ.
Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của trẻ em hiếu động, có thể làm tăng hoặc giảm tình trạng "lăng xăng" của trẻ. Đây là lý do tại sao các bậc cha mẹ đang tìm kiếm một chế độ ăn uống hữu ích cho các quí tử "siêu quậy" của mình.
Trẻ hiếu động nên ăn gì?
Thực phẩm giàu khoáng chất:
Các khoáng chất như canxi và magiê có tác động rất tốt đến sự bình tĩnh của trẻ, đặc biệt là vào thời gian cuối ngày.
Hạnh nhân có chứa Phenylalanine, một chất hỗ trợ rất tốt trong việc phát triển các chức năng nhận thức. Ăn một nắm
hạt hạnh nhân mỗi ngày giúp cải thiện trí nhớ, tinh thần sảng khoái, giảm Stress.
Sữa, cá mòi và cá hồi là những nguồn thực phẩm dồi dào canxi; gạo, bơ, đậu bắp và các loại rau có màu xanh đậm giàu magiê. Sự thiếu hụt kẽm và sắt cũng có thể làm cho trẻ thêm "lanh chanh". Cá biển và hải sản là những ngồn cung cấp sắt và kẽm tốt nhất.
Thực phẩm giàu vitamin:
Giảm căng thẳng cũng đồng nghĩa với việc "hạ hỏa" cơn nóng giận của trẻ. Điều này có thể được đảm bảo bằng việc kết hợp các vitamin B và vitamin C vào chế độ ăn uống của trẻ. Vitamin B và vitamin C như một loại thuốc giảm stress hiệu quả. Thực đơn hàng ngày của trẻ phải đảm bảo cung cấp đủ vitamin B; nên bao gồm bột ngũ cốc, gạo, thịt gia cầm, trứng, sữa. Thêm vitamin C bằng cách thêm trái cây, đặc biệt là ớt xanh và cà chua vào chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ.
Protein và axit béo Omega-3:
Một chế độ ăn có đầy đủ lượng protein và axit omega-3 giúp cho bộ não của trẻ hoạt động trơn tru hơn và giúp cho lượng đường trong máu cũng như tính khí của trẻ không "trồi lên, trục xuống" thất thường. Những nguồn thực phẩm giàu axit omega- 3: đỗ tương và đậu phụ; các loại hạt như hạt hướng dương, hạt vừng, hạt điều và hạt lanh; các loại dầu ăn như dầu hạt lanh, dầu hạt cải và dầu nành.
Nhóm thức ăn cần tránh
Thức ăn chứa nhiều đường: Chất ngọt sẽ làm cho trẻ dư thừa năng lượng không cần thiết và có xu hướng ngọ nguậy hơn. Hãy hạn chế cho trẻ ăn các loại bánh ngọt, bánh quy, kem, kẹo, nước ngọt...
Những thực phẩm có thể gây dị ứng: Nếu trẻ có tiền sử dị ứng với một số loại thức ăn thì cần tránh chúng trong chế độ ăn uống hàng ngày. Các triệu chứng dị ứng nhẹ như nổi mẩn ngứa, khó thở... càng làm cho trẻ "ngứa ngáy tay chân" hơn.
Màu nhân tạo, hương liệu và chất bảo quản: Chất tạo màu nhân tạo, hương liệu, chất bảo quản thực phẩm và các chất phụ gia khác có thể là mồi lửa khiến chứng "bất kham" của trẻ bộc phát. Đây là lý do tại sao các bậc phụ huynh nên dè chừng với những loại thức ăn "xanh xanh đỏ đỏ" bắt mắt, các loại thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp...
Cà phê: Cà phê, trà và các thức uống chứa caffein có tính axit có thể làm giảm độ pH tự nhiên của cơ thể. Do đó, cơ thể sẽ tự điều chỉnh sự cân bằng PH bằng cách kích thích cơ bắp cựa quậy nhiều hơn, làm cho trẻ càng loi choi hơn. Ngoài ra, chất caffeine có trong sô cô la, bánh kẹo và đồ uống có ga còn có thể làm mất đi các khoáng chất cần thiết hỗ trợ chức năng thần kinh của trẻ.
Đặc biệt cần nhớ: Trẻ hiếu động nên tránh thực phẩm công nghiệp, chế biến sẵn - nhằm tránh tác dụng không có lợi của các loại phụ gia...