Đánh răng chưa đúng cách, trẻ em Việt thường bị sâu răng
Phát biểu tại ngày Sức khỏe Răng miệng Thế giới ở Hà Nội hôm 20/3, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết trên 90% bệnh răng miệng ở trẻ em đều rơi vào lứa tuổi từ 6 đến 12. Nhiều bé chưa hình thành thói quen đánh răng vào buổi tối. Nhiều khu vực người dân chưa được chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt như ở nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Theo giáo sư Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, tình trạng răng có bệnh (sâu răng, viêm lợi, viêm nướu) dẫn đến mất răng hoặc răng yếu không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn làm xấu sức khỏe chung của người bệnh. Nhiều người chủ quan rằng bệnh về răng chỉ ảnh hưởng đến khu vực răng, miệng. Tuy nhiên, bị sâu răng, viêm lợi… người bệnh có thể nhiễm khuẩn, nếu không được điều trị sớm sẽ mắc các bệnh nội khoa toàn thân như bệnh về tiêu hóa, khớp, viêm cầu thận, đau tim, đột quỵ, viêm tắc thành mạch, viêm phổi, tiểu đường, thiểu năng não…
Nguyên nhân bệnh răng miệng cũng như cách phòng ngừa rất đơn giản nhưng nhiều người vẫn thiếu kiến thức. Khảo sát của Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, trong số trẻ đến khám răng hầu như không có cháu nào từng được khám. Đa số thực hành không đúng cách các động tác vệ sinh răng miệng. Ví dụ như răng có nhiều mặt và mỗi mặt đều có các mảng bám, là nguyên nhân gây sâu răng, song nhiều người khi đánh răng không làm sạch được tất cả bề mặt nên không loại hết được mảng bám. Nhiều trẻ có thói quen ăn bánh, kẹo ngọt liên tục trong ngày, không theo bữa và ăn xong không đánh răng. Đây chính là nguy cơ cao dẫn đến sâu răng. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi trẻ em lứa tuổi 6-12 có trên 6 răng bị sâu hoặc mất răng do sâu.
Để dự phòng bệnh răng miệng và các biến chứng, bác sĩ khuyến cáo cần chú ý khám răng định kỳ 6 tháng một lần; chải răng miệng đúng cách; hạn chế cho trẻ ăn bánh, kẹo và nhiều đồ ngọt, hướng dẫn trẻ ăn theo bữa. Thực hiện đánh răng ít nhất 2 lần một ngày vào buổi sáng và tối. Khi có bệnh về răng, miệng thì điều trị sớm rất quan trọng.