5 bí quyết để có một trái tim khoẻ mạnh hơn
Sức khoẻ tim mạch ngày càng được chú trọng hàng đầu, đặc biệt là người trẻ bởi độ tuổi mắc các bệnh liên quan đến tim mạch ngày một trẻ hoá. Tuy nhiên, không phải ai cũng thuộc nằm lòng các bí quyết để có một trái tim khoẻ mạnh, một sức khoẻ thể chất bền vững.
Để biết các bí quyết đó là gì và phải áp dụng sao cho hợp lý, bạn nhất định không được bỏ lỡ những thông tin hữu ích sau.
Hãy áp dụng một cách thật hiệu quả 5 bí quyết sắp được “bật mí” dưới đây để có một trái tim khỏe mạnh nhất
Để có một trái tim khoẻ mạnh hay một sức khoẻ tốt, không còn cách nào khác ngoài việc bạn phải thường xuyên dõi theo sức khoẻ của mình, đặc biệt là ý thức hơn trong việc bổ sung các dưỡng chất vào cơ thể.
Chỉ cần chú ý hơn vào lượng chất béo nạp vào cơ thể mỗi ngày, đơn cử như ăn các loại hạt dinh dưỡng thay vì hấp thu những thực phẩm kém lành mạnh như snack, thức ăn nhanh, nước ngọt có ga, bạn đã có thể ngăn ngừa được 30% các bệnh về tim mạch và giảm được 15% nguy cơ mắc ung thư. Chỉ ra để thấy rằng, chế độ dinh dưỡng tuy không quyết định tuyệt đối nhưng vẫn ảnh hưởng một lượng đủ nhiều trong việc giúp bạn có một trái tim khoẻ mạnh, một thể chất dẻo dai.
Để trái tim khoẻ mạnh và vận hành “mượt mà” trong 5 năm, 10 năm, thậm chí thêm 20 năm nữa, cần tuân thủ nghiêm ngặt 5 nguyên tắc được các chuyên gia hàng đầu về sức khoẻ tim mạch “khuyên dùng” sau:
Thường xuyên kiểm tra huyết áp và chỉ số Cholesterol
Huyết áp và chỉ số Cholesterol là hai yếu tố chi phối hàng đầu đến sức khoẻ tim mạch của mỗi người. Những người mắc chứng huyết áp cao thường có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch cao hơn bình thường.
Người cao huyết áp bên cạnh việc cần nắm rõ bệnh tình để có phương pháp hợp lý làm bệnh thuyên giảm, cần kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo sức khoẻ để hạn chế đến mức thấp nhất các biến chứng của bệnh tim mạch.
Ngoài huyết áp, chỉ số Cholesterol cũng góp phần phản ánh độ khoẻ mạnh của tim. Tổng lượng Cholesterol trong máu cao hơn hoặc bằng 200mg/dL được xem là không có lợi cho tim. Trong khi đó, nồng độ Cholesterol tốt khi đạt chỉ số dưới 40 mg/dL, và được xem là cao khi trên mức 160 mg/dL. Cần theo dõi các chỉ số này thường xuyên để có phương pháp cân chỉnh khẩu phần hay chế độ tập luyện cho phù hợp, không chỉ để bảo vệ tim mà còn nhằm cho một sức khoẻ tốt hơn.
Siêng tập thể dục, năng chơi thể thao
Không chỉ với tim mạch, để phòng ngừa nhiều căn bệnh nguy hiểm khác như huyết áp, béo phì, tiểu đường, thậm chí là ung thư, siêng tập thể dục, năng chơi thể thao được xem là phương pháp rèn luyện sức khoẻ mang lại hiệu quả hàng đầu. Thường xuyên vận động có lợi cho quá trình bơm máu đến các cơ quan trong cơ thể của tim, từ đó giúp chúng ta có một cơ thể khoẻ khoắn hơn bao giờ hết. Cần lựa chọn những loại hình phù hợp với thể trạng của từng cá nhân và áp dụng một cách chừng mực, có lịch trình cụ thể để quá trình tập luyện đạt hiệu quả cao.
Tránh để bản thân đối mặt với căng thẳng, áp lực kéo dài
Cuộc sống với quá nhiều lo toan, bộn bề là lý do khiến phần đông chúng ta khó tránh được tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Tuy nhiên, stress và áp lực được xem là những tác nhân hàng đầu gây nên các bệnh lý về tim mạch. Điều tiết lại lịch trình, thói quen sinh hoạt, học cách ổn định tâm trạng và cho bản thân cơ hội nghỉ ngơi hợp lý,... là những bí quyết giúp làm vơi được nhiều sự mệt mỏi lên tim.
Luôn duy trì tâm trạng ở mức tích cực, lạc quan là cách ngăn ngừa hiệu quả nhất nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch
Cân bằng lượng protein động vật và thực vật nạp vào
Protein đến từ động vật được xem là nguồn bổ sung protein hoàn chỉnh cho cơ thể. Tuy nhiên, chế độ ăn với hàm lượng protein động vật cao rất dễ gây nên các tình trạng nguy hiểm như tăng lượng Cholesterol xấu trong máu, tăng nguy cơ béo phì và các bệnh về tim mạch.
Chúng ta có thể khắc phục tình trạng này bằng cách bổ sung protein thực vật vào khẩu phần, bởi protein đến từ rau, củ, quả, hạt thường chứa nhiều chất béo tốt, giàu chất xơ và chất chống oxy hoá, từ đó giúp ổn định Cholesterol, giảm nguy cơ mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm như béo phì, tiểu đường, mỡ trong máu hay cao huyết áp,...
Nhưng thực vật lại là thực phẩm cung cấp protein không hoàn chỉnh, dễ làm cơ thể không được cung cấp đủ các dưỡng chất thiết yếu. Chế độ ăn lý tưởng là khi người dung nạp biết cân bằng hợp lý giữa protein động vật và thực vật, cốt là để nạp vào cơ thể một lượng protein và dưỡng chất đủ cần.
Thêm các loại hạt vào khẩu phần ăn mỗi ngày
Các loại hạt luôn được xem là thực phẩm không chỉ tốt cho sức khoẻ tim mạch. Với hàm lượng chất xơ, chất chống oxy hoá cao cùng nhiều vitamin và dưỡng chất thiết yếu, hạt dinh dưỡng giúp nạp vào cơ thể những chất béo không bão hoà, được xem là chất béo có lợi, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, béo phì hay các vấn đề về tiêu hoá. Với trẻ nhỏ, chất béo tốt có trong các loại hạt còn giúp phát triển trí não một cách toàn diện, từ đó bé không chỉ ham học hỏi, thông minh hơn mà còn đủ dưỡng chất để lớn khoẻ mỗi ngày.
Các loại hạt từ trước đến nay luôn được xem là nguồn thực phẩm giúp nâng cao sức khỏe tim mạch hàng đầu
Tim có khoẻ mạnh thì các cơ quan còn lại trong cơ thể mới có thể “yên tâm” vận hành, từ đó duy trì sự sống. Do vậy, sức khoẻ tim mạch bao giờ cũng cần được đặt lên hàng đầu, và cách để giảm áp lực lên nó hiệu quả nhất chính là áp dụng càng kịp thời càng tốt 5 bí quyết vì sức khoẻ trái tim trên.